PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Trẻ em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi. Thiệt thòi hơn khi các em không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước – đang ngày càng bị mai một và quên lãng, không chỉ ở các thành phố mà còn ở cả các vùng nông thôn, nơi mà đang dần bị đô thị hóa mạnh mẽ. Vì thế giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với những trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết”.

* Các giai đoạn thực hiện:
a) Giai đoạn 1: Tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của trò chơi dân gian Việt Nam
– Học sinh tự tìm hiểu qua sách, tranh ảnh, video,…
– Học sinh và giáo viên cùng chia sẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của trò chơi dân gian Việt Nam.

b) Giai đoạn 2: Tìm hiểu và phân loại một số trò chơi dân gian phổ biến hiện nay
– Tìm hiểu về tên gọi, cách chơi, các bài đồng dao được sử dụng trong từng trò chơi cụ thể.
– Tìm hiểu lợi ích và phân loại các trò chơi dân gian.

c) Giai đoạn 3: Trải nghiệm các trò chơi dân gian Việt Nam
– Học sinh tự tổ chức và tham gia các trò chơi dân gian ở trường, ở nhà, hoặc nơi mình sinh sống,…