Video: http://drive.google.com/drive/u/0/folders/1z3FqNC5tiwB10nFCaLIzRY2U8gwE6kws

I. Tổng quan dự án

  1. Giới thiệu chung

    Long Ứng Đài, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Đài Loan từng nhắn nhủ với con bà rằng: “Mẹ yêu cầu con chăm chỉ học, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác, mà là bởi vì mẹ muốn con có nhiều quyền lựa chọn cho tương lai, lựa chọn có ý nghĩa, có thời gian làm việc, chứ không phải là bị ép mưu sinh”. Quả thật, cái mà con người ta cần nhất trong đời là quyền lựa chọn một cuộc sống được làm những điều đáng quý, thỏa đam mê chính mình. Và GIÁO DỤC là một trong những công cụ hữu hiệu nhất giúp ta đạt được điều đó.  

    Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục là thế, tuy nhiên hằng năm vẫn còn hàng triệu trẻ em bị bỏ lại phía sau bởi tác động từ sự tăng trưởng nhanh của kinh tế- xã hội khiến các em tiếp tục sống trong thiếu thốn, không đủ điều kiện được giáo dục. Theo báo cáo của Reliefweb năm 2020, có tới 260 triệu trẻ em thất học trên toàn thế giới. Và nếu ta không can thiệp khẩn cấp, thì con số này sẽ lên đến 825 triệu – một nửa tổng số trẻ vị thành niên trên thế giới sẽ không có những kỹ năng cơ bản cần thiết cho công việc trong tương lai. Còn ở Việt Nam, theo UNICEF năm 2020, có khoảng 5,5 triệu trẻ em vẫn còn thiếu thốn ở lĩnh vực giáo dục. 

    Đây là những con số cực kỳ báo động, nhưng điều tồi tệ hơn chính là dù mục tiêu Phát triển Bền vững là mọi trẻ em đều được đến trường và học tập vào năm 2030, dù chiến dịch #WriteTheWrong được mở ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục toàn cầu, dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em năm 1990 để các em có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình qua giáo dục, dù hàng triệu lớp học vẫn mở ra mỗi năm, nhưng phần lớn các lớp học đều kém chất lượng. Các nhà chức trách đã quá tập trung vào số lượng mà bỏ quên đi “chất lượng giáo dục”. Đó mới chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng giáo dục trên toàn thế giới. 

    Hiểu được vấn đề nhức nhối trên, là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng em nghĩ mình cần làm gì đó (dù nhỏ bé) với mục đích truyền cảm hứng học tập và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của giáo dục cho các bạn có điều kiện khó khăn hơn chúng em. Và đó là lí do “Vững bước tới tương lai” được ra đời. 

    “Vững bước tới tương lai” là dự án cộng đồng phi lợi nhuận, hướng đến một tương lai tươi sáng cho trẻ em khó khăn từ những hành động nhỏ. Chúng mình dự định tạo ra 1 quầy ẩm thực nhỏ trong sân trường. Bạn có thể đồng hành cùng chúng mình bằng cách đến quầy và trao gửi những món quà nhỏ (sách vở, truyện, đồ dùng,…). Chúng mình cũng sẽ gửi lại bạn những phần nước hay snack tương ứng. “Vậy nếu mình muốn chung tay nhưng lại chẳng có vật dụng nào có thể đến đổi thì sao?” Không sao cả, bạn vẫn có thể mua bằng tiền mặt và toàn bộ số tiền lãi chúng mình cũng sẽ gửi đến các bạn khó khăn hơn chúng ta. 

    Dự án sẽ trao tặng học bổng và những vật dụng quyên góp được đến các bạn nhỏ có điều kiện khó khăn. Đồng thời, chúng em sẽ trực tiếp giảng dạy Tiếng Anh và tổ chức các buổi trò chuyện để truyền cảm hứng học tập cho các em  tại các nơi từ thiện. Tiêu chí hoạt động của dự án là: “Giáo dục cho ta kiến thức, cho ta động lực, cho ta mơ về những nơi xa hơn. Giáo dục giúp ta mở ra một thế giới tốt đẹp hơn, những con người tốt hơn, và cả một phiên bản tốt hơn của chính ta. Không ngoa, GIÁO DỤC LÀ CẢ THẾ GIỚI.”

  2. Lợi ích của “Vững bước tới tương lai”
    a) Đối với các mái ấm tình thương

    Hỗ trợ các em có điều kiện học tập tốt hơn từ học bổng cùng các vật dụng cần thiết khác. Bên cạnh đó, dự án còn giúp các em ý thức về sự cần thiết và quan trọng của giáo dục, đặc biệt là tiếng Anh. 

    Một cách thật ấm áp và khiêm tốn, chúng em sẽ cùng các bạn “vững bước tới tương lai”.

    b) Đối với nền giáo dục Việt Nam

    “Vững bước tới tương lai” góp phần xây dựng nên một nền giáo dục chất lượng hơn từ hoạt động từ thiện và giảng dạy các em nhỏ ở các mái ấm tình thương. Là nguồn cảm hứng và động lực cho các thế hệ sau tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động này mỗi năm.  

    c) Đối với cộng đồng

    • Với học sinh VAS:
      – Chúng mình mở ra quầy canteen nho nhỏ để các bạn trẻ có thể nhâm nhi ăn vặt và giải khát cùng bạn bè sau những giờ học căng thẳng. Giúp các bạn có thể xua tan những mệt mỏi. Đồng thời tạo nên những khoảnh khắc vui vẻ, thư giãn đầu óc để tiếp tục học tập trong ngày dài.
      – Nhờ vào đó, học sinh VAS nhận thức được thực trạng của nền giáo dục hiện nay và hưởng ứng theo phong trào #WriteTheWrong.
      – Điều quan trọng hơn, chúng em cũng mong các bạn sẽ cùng chung tay với chúng em trong việc chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Từ đó bồi đắp trong mỗi chúng em lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.
    • Với cộng đồng:
      – Chúng em mong rằng dự án của mình sẽ trao cơ hội cho các bạn sống trong hoàn cảnh khó khăn có được nền giáo dục tốt hơn từ những đóng góp nhỏ.
      – Lan tỏa dự án đến nhiều người, để cộng đồng cùng chung tay góp sức cho dự án và ngày càng có nhiều em nhỏ được chắp cánh ước mơ.
  3. Địa điểm, cách triển khai dự án
    a) Địa điểm

    • VAS BTH : nơi mở quầy thức ăn để thu gom quỹ, các vật dụng cần thiết khác
    • Từ thiện, giảng dạy (dự kiến):
      – Mái Ấm Thánh Tâm: 272/3A Lê Văn Quới, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân.
      – Mái ấm Hồng Tâm: 216/6 Dương Bá Trạc, P. 2, Q. 8.
      – Mái ấm Nhật Hồng: 923/5 Tân Kỳ Tân Quý, Kp. 5, Q. Bình Tân.

    b) Cách thức hoạt động

    • Giao lưu và tặng những phần học bổng, những vật dụng cho các em nhỏ tại các mái ấm.
    • Tổ chức buổi chia sẻ, trò chuyện về ý nghĩa của việc học tập cho các bạn nhỏ. 
    • Dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại các mái ấm:
      – Các thành viên trong nhóm dự án sẽ đảm nhận và nếu dự án phát triển hơn, chúng em sẽ tuyển cộng tác viên (thầy cô và các bạn học sinh VAS từ khối 9 -12).
      – Thời gian dạy học: 1 buổi/1 tuần (sáng thứ 7) với những mái ấm trong nội thành hoặc 1 buổi/1 tháng với những mái ấm xa hơn.
  4. Ý nghĩa hoạt động

    Thông qua hoạt động này, chúng em không những áp dụng những kiến thức đã được trang bị trên lớp vào thực tiễn mà còn được nhìn thấy sự hứng thú của các bạn khi “sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi”. Bên cạnh đó, dự án giúp chúng em trau dồi thêm những kỹ năng xã hội cần thiết, biết suy nghĩ và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn.  Đối với chúng em, sự liên kết của cộng đồng, niềm vui của các bạn chính là mong muốn và mục tiêu quan trọng nhất của dự án.

     

 

II. Kế hoạch triển khai

  1. Thời gian triển khai dự án

    • 20/10/2021: đăng tải dự án lên link đăng ký của hệ thống.
    • 25-30/10/2021: tạo trang mang tên “Vững bước tới tương lai” trên các trang mạng xã hội như Facebook và Instagram.
    • Tháng 11/2021: Gửi đơn đăng ký triển khai dự án “Vững bước tới tương lai” đến các cơ sở, quản lý cơ sở.
    • Tháng 12/2021: thuyết trình về dự án trước ban tổ chức.
    • Tháng 1, 2, 3/ 2022:
      – Mở quầy canteen ở cơ sở 3/2 vào giờ ra chơi buổi sáng, buổi trưa các ngày trong tuần.
      – Sau mỗi giờ bán: Tổng kết quỹ ngày, phân loại những món đồ đã thu nhận.
      – Liên lạc, đi tiền trạm tại các mái ấm.
    • Tháng 4, 5:
      – Đến thăm và tặng học bổng, vật dụng cho các em ở mái ấm.
      – Tổ chức các buổi chia sẻ và dạy tiếng Anh cho các em.
    • Cuối tháng 5: tổng kết dự án.
  2. Triển khai dự án trên các kênh truyền thông

    Tháng 12 sau khi thông qua dự án, tụi mình sẽ xin phép và thống nhất thời gian để bắt đầu thực hiện kế hoạch tuyên truyền dự án này trên đa dạng các kênh thông tin:
    – Xuyên suốt dự án sẽ chạy truyền thông trên các trang mạng xã hội (Instagram, Facebook) bằng cái bài viết, video, event,…
    – Xin hỗ trợ truyền thông từ một số page lớn cũng như các group cộng đồng.
    – Khi đi học lại ở trường: tiến hành phát tờ rơi, dán poster, dựng banner ở những nơi đã được cho phép trước đó.

  3. Tiếp nhận phản hồi từ cộng đồng và điều chỉnh dự án phù hợp

    Chúng mình đã tạo bảng khảo sát trong quá trình thực hiện dự án để có thể thấy được mức độ ủng hộ của cộng đồng qua Google Form. Từ đó thấy được tính khả thi và hiệu quả của dự án. Khảo sát bao gồm: 

    1. Bạn là học sinh ở cấp bậc nào?
    2. Bạn có thích việc có “canteen” snack và nước giải khát ngay tại trường không?
    3. Bạn có những vật dụng còn sử dụng được mà bạn không dùng tới nữa không? (đồ dụng học tập, đồ chơi,…)
    4. Bạn nghĩ thế nào nếu có thể đổi những vật bạn không còn sử dụng lấy snack hay nước giải khác ở “canteen” thay vì tiền mặt (VND)?
    5. Bạn có quan tâm tới việc cải thiện chất lượng giáo dục ở Việt Nam cho các em nhỏ sống trong điều kiện khó khăn hay không?
    6. Bạn nghĩ sao nếu có thể góp phần cải thiện chất lượng giáo dục cho các em nhỏ bằng cách mua hoặc đổi lấy snack/nước ở “canteen”?
    7. Nếu chúng mình tạo ra một “canteen” nhỏ tại trường để bán snack và nước nhằm thu gom quỹ, quyên góp các vật dụng cần thiết khác cho các mái ấm tình thương, bạn sẽ ủng hộ chúng mình chứ?

    Sau đó, chúng mình sẽ điều chỉnh kế hoạch phù hợp theo phản hồi của mọi người.

  4. Kết quả mong đợi

    • Số quỹ dự đoán: 15 triệu (VND) 
    • Các dụng cụ quyên góp dự đoán: sách, vở, bút, đồ chơi,…
    • Số nơi từ thiện: 3. Nếu kết quả số quỹ nằm ngoài mong đợi, chúng em có thể mở rộng dự án hơn ở các tỉnh thành ngoài TP.HCM

  5. Những khó khăn có thể xảy ra và cách khắc phục:

    • VASER sẽ khó biết được sự có mặt của canteen
      • Cách khắc phục: Sau khi được xét duyệt dự án và cung cấp quỹ, team sẽ bắt đầu chạy truyền thông online về sự kiện thông qua các trang mạng xã hôi cũng như offline bằng cách in và dán những tấm poster xung quanh trường
      • Dựa vào cuộc khảo sát online: cả 3 cấp bậc đều biết đến sự có mặt của dự án
    • Các bạn có thể không hài lòng với việc mở canteen:

      • Dựa vào cuộc khảo sát online: gần 100% các bạn học sinh thích việc mở “canteen” đồ ăn và nước giải khát tại trường.

    • Các bạn học sinh không có đồ dùng cũ hay không muốn đổi đồ của mình đi

      • Dựa vào cuộc khảo sát online: khoảng 82% các bạn đều có những đồ dùng cũ và 94% các bạn thích việc có thể đổi những đồ dùng cũ đó lấy snack, nước bán trong canteen thay vì tiền mặt (VND)


    • Các bạn có thể không ủng hộ dự án

      • Song song với việc làm truyền thông, team sẽ còn tuyên truyền cho các bạn học sinh về tình hình của các bạn nhỏ thiếu điều kiện học tập tốt và tại sao việc tham gia ở “canteen” chúng mình là một cách góp phần cải thiện vấn đề này
      • Dựa vào cuộc khảo sát online: 99% các bạn quan tâm đến vấn đề giáo dục của các em khó khăn và 94% các bạn tin rằng “Vững bước tới tương lai” là dự án có thể giúp VASER góp phần cải thiện chất lượng giáo dục cho các em nhỏ



  6. Đội ngũ chịu trách nhiệm và thực hiện dự án


 

III. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN

(Tất cả nội dung dưới đây đều là dự kiến, vì thế có thể thay đổi để phù hợp với thời gian ở thời điểm đó)

 

IV. NGÂN SÁCH DỰ ÁN

 

V. BẢNG GIÁ BÁN VÀ GIÁ TRAO ĐỔI